Cụ thể, Văn phòng Liên bang Đức về các vấn đề kinh tế và kiểm soát xuất khẩu (BAFA) trước đó đã ra quyết định loại dòng xe Model S khỏi danh sách trợ giá, qua đó làm dấy lên căng thẳng khi Tesla cho rằng mẫu xe của mình không hề quá đắt để bị loại khỏi danh sách này. Đồng thời, các nguồn tin thân Tesla gợi ý rằng đang có một âm mưu nào đó chống lại mình từ phía Đức – nơi mà các tập đoàn lớn như Volkswagen hay Daimler cũng đang đẩy mạnh phát triển phân khúc EV.

Tại Đức, để một mẫu xe điện đạt đủ điều kiện trợ giá, giá bán xe bắt buộc phải ở mức 60.000 euro hoặc thấp hơn (71.500 USD). Trớ trêu là, chiếc Model S mức thấp nhất vừa đúng đạt đủ tiêu chuẩn này, thế nhưng BAFA cho rằng khách hàng của Tesla không thể đặt mua xe mà không có bất cứ tuỳ chọn nào được thêm vào, do đó loại chiếc sedan ra khỏi danh sách.

Vì sao Tesla không được trợ giá? - Ảnh 1.

Mức giá "chênh vênh" của Model S là nguyên nhân chính dẫn tới các tranh cãi gần đây.

Để đáp trả lại, phát ngôn viên của Tesla cho biết "Đây là cáo buộc hoàn toàn sai lầm. Các khách hàng của chúng tôi tại Đức hoàn toàn tự do trong quyết định của mình và họ có thể đặt mua một chiếc Model S không tuỳ chọn. Trên thực tế, chúng tôi đã giao không ít số xe như vậy".

Tesla cũng cho biết thêm mức giới hạn giá bán ban đầu được đề xuất với tiêu chí loại Model S hoàn toàn ra khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên, sau một thời gian thương thảo giữa 2 bên, mỗi phía đều đã đồng ý nhượng bộ nhau một phần. Về phần Tesla, họ đã đồng ý bán Model S bản entry-level không tuỳ chọn ở mức giá dễ chịu hơn một chút. Sau một thời gian, nếu muốn, khách hàng hoàn toàn có thể nâng cấp chiếc sedan của mình. Dù mức giá nâng cấp "chát" hơn so với việc đặt xe ngay từ đầu nhưng nếu tính cả khoản trợ giá 4.000 euro, khách hàng thực chất lại có lợi hơn.

Bên cạnh đó, Tesla cam kết sẽ tiến hành điều tra nội bộ liên quan tới các cáo buộc từ bên thứ 3. "Nếu nhân viên bán hàng của chúng tôi tư vấn cho khách hàng rằng họ không thể mua Model S mà không có gói tiện nghi nội thất, điều này là hoàn toàn sai lầm và nằm ngoài chính sách của công ty. Chúng tôi cam kết sẽ xử lý nghiêm khắc đồng thời đưa ra các giải pháp thích hợp".

Hiện tại, một mẫu xe chạy điện thuần (EV) tại Đức được trợ giá 4.000 euro trong khi con số này với một chiếc hybrid sạc điện (PHEV) là 3.000 euro.