Vụ cháy khủng khiếp được phát hiện khoảng hơn 13h chiều ngày hôm qua (3/6), tại cây xăng quân đội đối diện cổng Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108 trên phố Trần Hưng Đạo.

Anh Mạnh Tuấn - xe ôm ở ngã ba Trần Hưng Đạo - Trần Khánh Dư, một nhân chứng kể lại:"Hơn 1h chiều, tôi thấy có một vệt lửa dài chảy từ cây xăng ra ngoài đường, xăng chảy đến đâu lửa cháy đến đấy. mọi người trong 2 hàng cơm bên cạnh chạy hết cả ra đường".

Ngọn lửa cháy bùng dữ dội, cột khói đen cao bằng tầng 9 của tòa nhà bên Bệnh viện 108, từ xa người ta cũng có thể trông thấy. Xe tét chở xăng bùng cháy dữ dội, xăng chảy ra khiến 2 cửa hàng cơm bên cạnh cũng bị cháy đen cùng 7 chiếc xe máy trước cửa.

Lực lượng PCCC cũng có mặt kịp thời, dùng bình xịt bọt để dập tắt những đám cháy từ quán cơm rồi mới đến xe téc.

"Do lượng xăng trên xe rất lớn, ước lượng khoảng 20 đến 30 khối, dưới bồn chứa xăng khoảng 75 khối nữa. Nên công tác dập lửa rất khó khăn" - Chỉ huy lực lượng PCCC tại hiện trường - Thiếu tướng  Nguyễn Đức Nghị cho biết.

Đến gần 16h, những tiếng vỗ tay reo hò vang lên, đám cháy đã được dập tắt. Vòi rồng phun nước giảm nhiệt vẫn hoạt động liên tục, xe tải vẫn liên tục chở cát đến hiện trường làm nhiệm vụ chặn xăng tràn ra các đường ống cống.

Những bài học từ vụ cháy cây xăng Trần Hưng Đạo 1
Từ ngã 3 Trần Hưng Đạo - Trần Khánh Dư, bọt chữa cháy trắng xóa đường

Bất ngờ chỉ sau 15 phút, đám cháy bùng cháy trở lại, dữ dội hơn cả lúc đầu. Nguyên nhân là do khi tạm thời dập tắt lửa, lực lượng chức năng đã xả xăng trong bồn chứa ra để phòng cháy nổ. Xăng gặp hơi nóng lại bùng cháy.

Từ 300 chiến sĩ ban đầu, lực lượng chữa cháy đã huy động đến hơn 1000 người, trong đó có khoảng 350 người thuộc lực lượng Bộ Tư Lệnh thủ đô.
 
Đến 18h, lực lượng chức năng mới cơ bản không chế được ngọn lửa, tuy nhiên vẫn đề phòng nguy cơ cháy trở lại. Một xe bồn đã được đưa đến để hút xăng, dầu ra khỏi bể chứa.

19h, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Vậy là sau 6 giờ với 1000 người, ngọn lửa mới được khống chế.

Trao đổi với Autopro, thiếu tướng Nguyễn Đức Nghị, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết: "Xăng là chất cháy mà càng vào nước thì càng cháy mạnh, quan trọng nhất phải dùng bọt để khống chế. Ở đây chúng tôi đã dùng rất nhiều biện pháp cùng lúc: phun bọt, thu nhập cát để cách ly xăng tràn, dùng nước làm mát xung quanh... nhưng công tác dập lửa vẫn rất khó khăn".

 Những bài học từ vụ cháy cây xăng Trần Hưng Đạo 2
Ngọn lửa đã được dập tắt, các vòi rồng vẫn hoạt động hết công suất để làm mát xung quanh.
 
Những bài học từ vụ cháy cây xăng Trần Hưng Đạo 3
Từng xe tải cát được chở vào khu vực cháy để chặn xăng chảy tràn ra nắp cống, gây cháy diện rộng.

Theo quy định Phòng chống cháy nổ, khi xả xăng xuống bồn, cây xăng không được bán hàng và phải giải tán người xung quanh để tránh trường hợp cháy nổ do người dân hút thuốc hoặc xăng rò rỉ. Tuy nhiên theo ghi nhận của Autopro thì các nhân chứng cho biết khi xe téc đến, nhiều người nhà bệnh nhân hút thuốc đứng tránh nắng gần trạm xăng.
Tuy đây là trường hợp đầu tiên ở Hà Nội cháy xe téc, nhưng đó cũng là lời cảnh báo đến sự cẩu thả của các cây xăng trong việc tuân thủ các quy định về PCCC. Bên cạnh đó là sự kết hợp hoạt động chưa hiệu quả của các cơ quan chức năng trong việc ngăn người dân vô ý vào khu vực xảy ra đám cháy. Cách đám cháy chỉ vài chục mét, vẫn có những người vô tư một tay quay phim, trên tay còn lại là điếu thuốc cháy dở.

Những bài học từ vụ cháy cây xăng Trần Hưng Đạo 4
Chiến sĩ PCCC anh dũng lao vào đóng nắp xe bồn.
 
Những bài học từ vụ cháy cây xăng Trần Hưng Đạo 5
Tuy vậy, cách đó không xa, những người dân hiếu kỳ tụ tập, vẫn có người cầm điếu thuốc trên tay.

Nói đi cũng phải nói lại về ý thức người dân khi xảy ra hỏa hoạn, với thùng bồn trữ lượng xăng cực lớn có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Thì người thì leo lên cây, người trèo lên xe, lên hàng rào, ai cũng muốn "mục sở thị" đám cháy một cách sống động nhất. Bỏ mặc sự can ngăn của lực lượng chức năng và mạng sống của mình.

Cháy nổ xăng rất nguy hiểm, có thể xảy ra ở bất cứ đâu, khi bạn đang di chuyển, đang nạp nhiên liệu... nhưng tất cả đều cần kiến thức cơ bản để xử lý. Tiến sỹ Nguyễn Minh Khương - Phó trưởng khoa Chữa cháy, trường ĐH Phòng cháy chữa cháy có chia sẻ: Nếu xe cháy khi đang vận hành thì người sử dụng phải dừng xe, tắt máy và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chữa cháy (bình chữa cháy, bột hoặc khí, khăn thấm nước...) trước khi bật nắp capo lên để phun chất chữa cháy vào dập tắt ngọn lửa.

Khi xe cháy trong nhà hoặc trong gara, cần sử dụng mọi biện pháp để đẩy xe ra ngoài hoặc di chuyển những vật dụng có thể bị cháy xung quanh. Khi cháy xảy ra ở khu vực bình chứa xăng, hoặc biết đang cháy xăng rò rỉ ra thì tuyệt đối không sử dụng nước để chữa cháy, vì xăng gặp nước sẽ càng làm bùng phát lửa to hơn (trừ khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến và sử dụng nước ở dạng tia phân tán). Lúc này cần sử dụng các phương tiện thô sơ như: chăn chiên thấm nước, cát, bình chữa cháy... để nhanh chóng dập tắt đám cháy.

"Biển lửa" tại cây xăng Quân Đội số 2B Trần Hưng Đạo là lời nhắc nhở đối với tất cả mọi công dân về  hiểm họa cháy nổ luôn tiềm ẩn ở bất cứ nơi nào có sự lơ là, chủ quan. 

Những bài học từ vụ cháy cây xăng Trần Hưng Đạo 6
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng hội ý cùng thiếu tướng Nguyễn Đức Nghị, người trực tiếp chỉ đạo xử lý đám cháy.

Những bài học từ vụ cháy cây xăng Trần Hưng Đạo 7

Có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo dập tắt đám cháy lớn tại cây xăng Trần Hưng Đạo, đối diện Bệnh viện 108, thiếu tướng Nguyễn Đức Nghị đã có trao đổi ngắn với phóng viên về công tác của các chiến sĩ PCCC Hà Nội.