Phục vụ cả trăm triệu lượt khách song taxi vẫn bị coi là xe cá nhân. Điều này có thể dẫn tới hệ quả là doanh nghiệp taxi phải giải thể hoặc tăng tới 5.000 đồng một km do tiền phí phải nộp tăng quá cao.
Để một chiếc taxi hoạt động, doanh nghiệp taxi đã phải đóng rất nhiều loại thuế và phí. Đó là thuế nhâp khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí trước bạ 20%, phí cấp biển số, phí đăng kiểm, phí tần số, phí cấp phù hiệu taxi, phí điểm đỗ, phí xăng dầu... Như vậy, một chiếc taxi giá khoảng 400 triệu đồng thì tổng các loại phí và thuế trên chiếm khoảng 240 triệu đồng.

Nay nếu phí hạn chế phương tiện áp dụng cả với taxi là 20 triệu mỗi năm, những doanh nghiệp có trên 100 đầu xe sẽ phải đóng mức phí trên 2 tỷ một năm và có thể không ít đơn vị sẽ phải giải thể. Hệ quả tiếp theo sẽ xảy ra với gần 20.000 lái xe taxi tại Hà Nội có thể là mất việc.

Chuyện thu phí từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng dành cho ôtô, trong đó có xe chở khách công cộng bằng taxi không làm giảm ùn tắc giao thông mà chỉ đạt được mục tiêu "tận thu" và thu được nhanh nhất một khoản tiền lớn cần cho ngân sách giao thông.

Nhiều doanh nghiệp taxi đứng trước nguy cơ giải thể nếu phải đóng phí hạn chế phương tiện cá nhân. Năm 2011, các doanh nghiệp taxi Hà Nội đã vận chuyển được 100 triệu lượt khách, đóng phí, thuế cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng nhưng taxi vẫn bị coi là xe cá nhân nên phải chịu thuế trước bạ là 20% như những xe cá nhân khác .

Trước đây, Bộ Tài chính đều xây dựng chính sách ưu đãi dành cho xe kinh doanh như giảm thuế trước bạ. Ví dụ, xe cá nhân nộp phí trước bạ 5% thì xe kinh doanh taxi chỉ phải nộp ở mức 2%. Hiên tại, Bộ Tài chính vẫn đề xuất không áp phí hạn chế phương tiện cho các xe taxi với quan điểm taxi đã góp phần làm hạn chế phương tiện xe cá nhân và đóng góp ngân sách rất lớn hàng năm cho Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động trong cả nước. Trong khi đó, quan điểm của Bộ Giao thông vận tải vẫn coi taxi là xe cá nhân.

Chưa kể các khoản phí và lệ phí như trên, taxi Hà Nội đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn. Các tài xế suốt ngày chạy lòng vòng, đỗ chui lủi vì không có điểm đỗ. Nếu vào khu vực đã có vạch trắng thì phải nộp 30.000 đồng cho một lần. Chỉ cần 3 lần đỗ là đã mất gần 100.000 đồng, đúng bằng thu nhập của người lái xe đem về cho gia đình họ sau một ngày lăn lộn ở ngoài đường.

Thêm đó, các phụ tùng như săm lốp, ác quy, vòng bi, chi tiết động cơ... đều lên giá. Giá xăng tăng liên tục. Riêng năm 2011, xăng tăng 5 lần, giảm 2 lần, mỗi lần tăng khoảng 2.000 đồng một lít, còn giảm chỉ ở mức 500 đồng mỗi lít. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp taxi đều phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao.

Các doanh nghiệp taxi đã phải tìm mọi giải pháp chịu đựng những khó khăn trên. Một mặt, họ phải động viên người lao động cùng chia sẻ khó khăn. Mặt khác, các đơn vị đều tiết giảm chi phí, giảm đầu tư những dòng xe tiêu thụ nhiều nhiên liệu, hạn chế vay ngân hàng, hạn chế đầu tư, tăng cường công tác bảo trì, bảo dưỡng để kéo dài tuổi thọ của xe.

Theo đó, nếu mức phí này được thông qua và áp dụng cả cho loại hình vận tải chở khách bằng taxi thì có thể sẽ xảy ra hai kịch bản.

Một là hàng loạt các công ty taxi giải thể vì không thể hàng năm bù lỗ số tiền từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng cho khoản đóng phí này. Hàng nghìn người lao động sẽ mất việc. Số xe đã trót đầu tư đành chuyển nhượng với giá thua lỗ hoặc chuyển các tỉnh khác hoạt động cầm chừng

Hai là giá cước taxi sẽ tăng thêm khoảng 4.000 - 5.000 đồng mỗi km, tương ứng với giá cước từ 15.000-20.000 nghìn đồng cho một cây số. Điều này cuối cùng lại đánh vào túi khách hàng và người tiêu dùng chịu tác động gián tiếp của phí hạn chế xe cá nhân. Khi đó số lượng người đi taxi giảm xuống, số lượng taxi của các doanh nghiệp dư thừa, thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
 
Theo vnexpress