"Cạn kiệt" nguồn xe nhập mới

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/1, cả nước chỉ có đúng 6 chiếc ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được nhập khẩu về. Với xe thương mại, gồm xe tải và xe trên 9 chỗ ngồi, lượng nhập về là 37 chiếc.

Tổng giá trị những chiếc xe dưới 10 chỗ nhập về nửa tháng đầu năm đạt 282.708 USD, tức mỗi chiếc có giá khai báo trước thuế trung bình khoảng 47.118 USD (tương đương 1,07 tỷ đồng). Nhiều khả năng, đây đều là những chiếc xe con hạng sang.

Nửa tháng trước đó (16/12-32/12), lượng ô tô con nguyên chiếc nhập khẩu còn đạt 2.866 chiếc, với tổng giá trị 59.720.032 USD. Như vậy, giá trung bình mỗi chiếc xe nhập về cuối năm ngoái thấp hơn hẳn so với đầu năm nay (20.837 USD so với 47.118 USD).

Ô tô nhập khẩu thất thế, đầu năm 2018 sẽ là sân chơi riêng của xe lắp ráp - Ảnh 1.

Xe nhập khẩu giảm mạnh đầu năm 2018. Số liệu: Hải quan. Đồ hoạ: Đức Khôi. Đơn vị: chiếc.

So với cùng kỳ năm ngoái, xe nhập khẩu đầu năm 2018 giảm về lượng nhưng tăng về giá trị. Ô tô từ 9 chỗ trở xuống nửa đầu tháng 1/2017 đạt 3.704 chiếc, còn giá trị trung bình chỉ 21.254 USD.

Ô tô nhập khẩu thất thế, đầu năm 2018 sẽ là sân chơi riêng của xe lắp ráp - Ảnh 2.

Ngược lại, giá trị trung bình của mỗi chiếc xe tăng lên. Số liệu: Hải quan. Đồ hoạ: Đức Khôi. Đơn vị: USD.

Nguyên nhân của sự biến mất bất ngờ của xe nhập khẩu khỏi cảng đầu năm nay được cho là bởi Nghị định 116 ban hành vào tháng 10/2017. Nghị định bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày ký nhưng quy định chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh ô tô bắt đầu từ sau ngày 31/12/2017. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ đợt cuối năm để nhập về thêm xe, trước khi cánh cửa hẹp tạm khép lại đầu năm 2018.

Những mẫu xe nhập khẩu ăn khách như Toyota Fortuner, Ford Ranger hay Chevrolet Colorado không thể về thêm xe từ 2018, còn mẫu khác bán túc tắc vẫn còn xe tồn từ 2017. Một số mẫu xe đã phải ngừng nhập từ tháng 11, 12 năm ngoái, trong khi xe lắp ráp vẫn được xuất xưởng đều.

Mới đây, Bộ GTVT có đưa Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 nhưng về bản chất chỉ là "làm rõ vấn đề" và được giới chuyên gia đánh giá là khiến các thủ tục trở nên rườm rà hơn. Ngoài giấy chứng nhận kiểu loại xe (VTA) đang khiến các doanh nghiệp đau đầu, quy định mới về chứng nhận kiểu loại linh kiện càng tạo thêm khó khăn. Xe nhập khó có thể về nước sớm.

Xe lắp ráp cũng gặp khó nhưng chỉ trong ngắn hạn

Đầu năm, xe lắp ráp cũng rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung do dây chuyền phải lên kế hoạch đầu năm mới. Tuy nhiên, một số mẫu xe vẫn kịp thời được xuất xưởng ngay trong tháng này, điển hình là Hyundai Elantra Sport và Mitsubishi Outlander. Hơn nữa, nguồn cung xe sản xuất cuối 2017 vẫn còn dư dả với một số mẫu nên xe lắp ráp vẫn chưa gặp phải "thế bí".

Ô tô nhập khẩu thất thế, đầu năm 2018 sẽ là sân chơi riêng của xe lắp ráp - Ảnh 3.

Hyundai Elantra Sport đang sẵn hàng, trong khi bản 2.0L lại thiếu nguồn cung. Ảnh: HTC.

Nhiều tư vấn bán hàng tại đại lý cho biết lô lắp ráp mới sẽ có vào sau Tết. Nhân viên kinh doanh tại Ford Hà Thành chia sẻ rằng vừa có một lô xe Focus lên dây chuyền, có thể sau Tết có xe.

Hơn nữa, Ford EcoSport 2018 - mẫu SUV/crossover đô thị ăn khách nhất phân khúc sẽ được xuất xưởng vào ngày 1/2 tới đây, hứa hẹn sẽ càng kích cầu thị trường đối với mảng xe lắp ráp trong nước. Mẫu xe này đôi khi vẫn lọt top 10 xe bán chạy tại Việt Nam, với doanh số khoảng trên dưới 300 xe/tháng.

Nút thắt trong việc khan xe lắp ráp đầu năm đang được tháo gỡ dần. Chỉ trong khoảng một tháng nữa, số lượng xe lắp trong nước nhiều khả năng sẽ tăng lên đáng kể. Còn với xe nhập khẩu, tương lai về thủ tục, giấy tờ vẫn đang mờ mịt. Đại diện các hãng xe không hứa hẹn trước thời gian có thể nhập về, chỉ ước chừng phải đến… giữa năm.