Cận kề tháng 10 hứa hẹn là thời điểm bùng nổ của xe nhập khẩu. Một là bởi nhiều mẫu xe đã hoàn thành được thủ tục theo quy định của Nghị định 116; hai là Triển lãm ô tô Việt Nam sắp diễn ra và các hãng cần có sản phẩm để trưng bày. Một vài mẫu mới đã cập cảng và có xe mẫu nhưng không ít xe khác mới chỉ nằm trên bàn giấy.

Lượng xe về tới đâu, bán hết tới đó, các đại lý chào mời khách đặt cọc sớm mới có thể nhận xe sớm. Khoản cọc này có thể từ 10-30 triệu đồng hoặc cao hơn tùy vào độ "máu" của người mua xe.

Đặt cọc khi chưa nhìn thấy xe, chưa biết giá

Rất nhiều mẫu xe mới hứa hẹn sẽ ra mắt từ tháng 8 đến tháng 10 như Toyota Yaris, Rush, Avanza, Wigo, Mitsubishi Xpander, Ford Ranger, Everest, Nissan Terra… Xe lắp ráp có Toyota Vios hay Hyundai Kona. Tuy nhiên, các đại lý đã mở đặt cọc từ cách đây 2-3 tháng.

Ồ ạt mua xe mà chưa biết giá, không được nhìn - Chuyện chưa từng có ở Việt Nam - Ảnh 1.

Khách đặt cọc các mẫu xe mới của Toyota khi được hứa hẹn ra mắt trong tháng 8.

Có trường hợp khách hàng đang sử dụng xe Toyota Vios lặn lội hơn 80 km từ Thái Nguyên đến Hà Nội để đặt cọc mua xe Rush ngày 20/7 với hy vọng được nhận xe sớm tại đây, mặc dù còn chưa được nhìn thấy chiếc xe ra sao. Thông số kỹ thuật mới chỉ nghe nói, chiếc xe còn chưa thử mà người này đã sẵn sàng chồng tiền cọc trước vì cho rằng xe về Hà Nội sẽ sớm hơn tỉnh xa.

Tình trạng đặt mua khi xe chưa ra mắt diễn ra với các mẫu xe khác chứ không chỉ Rush. Hay như trường hợp của Hyundai Kona, nhiều khách hàng nôn nóng đặt cọc nhằm sở hữu xe sớm dù mẫu xe Hàn còn chưa ra mắt, chưa được thông báo những thông tin và hình ảnh chính thức. Giá tạm tính mỗi nơi một kiểu, khách hàng hoang mang nhưng vẫn cố đặt cọc, sợ sẽ mất suất nhận xe khi có hàng.

Xe đã ra mắt nhưng khách vẫn phải cọc chờ, vài tháng sau mới được nhận

Honda Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đầu tiên nhập được xe về từ tháng 3. Không ít lô hàng xe CR-V, Civic, Accord và Jazz được đưa về cho đến nay nhưng vẫn có khách chờ "dài cổ" vẫn chưa được sở hữu. Hiện tại, các đại lý vẫn tiếp tục nhận cọc nhưng hứa hẹn tới tháng 10, 11 mới có thêm xe để giao khách.

Ồ ạt mua xe mà chưa biết giá, không được nhìn - Chuyện chưa từng có ở Việt Nam - Ảnh 2.

Trong số sản phẩm nhập khẩu của Honda thì CR-V là mẫu xe liên tục rơi vào tình trạng khan hàng.

Anh Giáp (Hà Nội) cho biết đã đặt một chiếc Honda CR-V bản L từ tận tháng 4 nhưng đến gần cuối tháng 7 rồi mà chưa có xe. Nhân viên kinh doanh hứa hẹn có khả năng tháng 8 có nhưng anh băn khoăn đây là thời điểm ngâu, làm gì có ai nhận xe. Vị khách này vẫn còn may hơn không ít người đặt cọc sau được báo tháng 10, 11 mới giao xe.

Thỉnh thoảng, một vài đại lý ở tỉnh xa các thành phố lớn "để lọt" thêm 1-2 chiếc CR-V ra. Khách phải nhanh tay mới mua được nhưng chi phí đội thêm mua phụ kiện không hề nhỏ.

Rút cọc đổi xe không đơn giản?

Theo thỏa thuận ký kết, khách không có nhu cầu mua, đại lý sẽ hoàn trả 100% tiền cọc. Thế nhưng vẫn có người gặp khó khăn khi rút cọc. 

Một khách hàng giấu tên đặt cọc mua xe Ford Ranger từ tháng 5. Khi nghe lô mới khoảng 200 chiếc Ranger 2018 về nước với trang bị cắt giảm đã quyết định rút cọc để cân nhắc. Nhân viên bán hàng kỳ kèo, hứa hẹn trả ngày này đến ngày khác, câu thêm thời gian giữ chân khách. Mãi không thấy tiền đâu, vị khách này làm căng lên mới được trả. Sự việc này làm mất thời gian cả đôi bên.

Ồ ạt mua xe mà chưa biết giá, không được nhìn - Chuyện chưa từng có ở Việt Nam - Ảnh 3.

Những mẫu xe Ford mới có thể tới tháng 9, 10 mới có xe giao nhưng khách đã đặt cọc từ khi chưa biết thông tin gì về phiên bản nâng cấp.

Hiện tại, nhiều người vẫn cố giữ cọc chờ xe vì chưa vội mua xe mới nhưng có khách đã phải rút cọc để chuyển hướng xe mua xe lắp ráp với nguồn cung sẵn, lại không bị đội chi phí mua phụ kiện. Trong khi đó, các đại lý liên tục mở không giới hạn đơn đặt cọc dù biết là nguồn cung thấp và không đủ, hoặc không nắm chắc thời gian có xe giao.