Chỉ một chiếc xe đã khơi mào cuộc chiến dai dẳng giữa Ford và BMW như thế nào? - Ảnh 1.

Cụ thể, chiếc SUV của Mary, khi đó được vận chuyển sang châu Âu bằng đường thủy, đã phát hỏa khiến số xe trị giá 45 triệu USD trên tàu bị phá hủy, bản thân tàu cũng chịu thiệt hại khủng khiếp ước tính 55 triệu USD và cuộc chiến pháp lý dai dẳng giữa Ford và BMW cũng từ đó bắt đầu.

Mary - một nhân viên của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã làm việc ở châu Âu nhiều năm - được thuyên chuyển công tác sang Bỉ. Khi đó, cô quyết định đưa chiếc Ford Escape của mình theo cùng bằng cách vận chuyển qua tàu chở hàng. Tuy nhiên, cô không hề biết rằng chính chiếc Escape đó đã nhận được… không dưới 10 yêu cầu thu hồi của Ford, trong đó có lỗi đặc biệt nguy hiểm là có thể cháy ngay cả khi xe không vận hành.

Chỉ một chiếc xe đã khơi mào cuộc chiến dai dẳng giữa Ford và BMW như thế nào? - Ảnh 2.

Kết quả là vụ cháy tàu sau đó gây thiệt hại lên tới 100 triệu USD, gần nửa trong số đó tới từ xe BMW, Daimler và Ford thuộc diện xe cũ có mặt trên tàu theo kết quả điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Mỹ (NTSB) công bố năm 2017.

Ngọn lửa trên tàu cũng làm bùng phát cuộc chiến pháp lý giữa BMW và Ford mà chính phủ Mỹ cũng bị kéo vào và tới nay vẫn chưa thể giải quyết thấu đáo.

Trước đó, không ít nhà chính trị và lập pháp tại Mỹ đã phê phán tốc độ quá chậm cũng như thủ tục rườm rà của quá trình thu hồi xe lỗi. Vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trên tàu MV Courage một lần nữa cho thấy ý kiến của họ là đúng và cần có một cuộc cải tổ.

Thêm nữa, tính "tiêu chuẩn kép" của các hãng xe cũng được thể hiện rõ: họ sẵn sàng vỗ ngực tự hào vì có chỉ số thu hồi thấp (nghĩa là ít gặp lỗi) nhưng khi đối mặt với nguy cơ mất tiền, họ cũng không ngần ngại tìm đến các luật sư giỏi nhất và thậm chí là đưa nhau tới tòa án để chối bỏ mọi trách nhiệm pháp lý.

Chỉ một chiếc xe đã khơi mào cuộc chiến dai dẳng giữa Ford và BMW như thế nào? - Ảnh 3.

Vụ cháy tàu khi đó không nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông, một phần vì bức tranh toàn cảnh khi đó vẫn còn là bí ẩn và chỉ mới được làm sáng tỏ gần đây. Đây cũng là một ví dụ "đắt giá" về hậu quả ghê gớm khi xe không được triệu hồi kịp thời.

Hiện, luật sư của mọi bên liên quan từ Ford, BMW, chủ tàu và chủ xe cho tới các công tố viên của Bộ Tư pháp Mỹ đều từ chối bình luận về sự việc. Mary - chủ nhân chiếc Escape cũng bặt âm vô tín do không cần hiện diện tại tòa. Vụ việc trước đó cũng đã được xác định là không có lỗi của cô.

Chỉ một chiếc xe đã khơi mào cuộc chiến dai dẳng giữa Ford và BMW như thế nào? - Ảnh 4.

Vào ngày 2/6/2015, tàu MV Courage chuyên chở đồ tuyến Bắc Mỹ - châu Âu với tải trọng 52.000 tấn đang di chuyển qua eo biển Manche. Khi đó, tàu đang chở hàng trăm xe ô tô cũng như nhiều món hàng hóa khác và gần như tất cả đều bị thiêu rụi bởi vụ cháy xuất phát từ chiếc Ford Escape 2002 dưới dạng triệu hồi.

Trong số lượng xe nói trên có không ít xe sang hoàn toàn mới tới từ Mercedes-Benz và BMW cùng nhiều phương tiện vũ trang của chính phủ Mỹ và xe cá nhân của nhân viên chính phủ - Mary là một trong số đó.

Chỉ một chiếc xe đã khơi mào cuộc chiến dai dẳng giữa Ford và BMW như thế nào? - Ảnh 5.

MV Courage rời cảng tại Đức để đến địa điểm kế tiếp là Anh Quốc vào ngày 1/6 và hơn một ngày sau, chính xác là 10h15 tối 2/6, chuông báo cháy trên tàu kích hoạt. Vụ cháy được xác định là khởi nguồn từ boong số 12 bởi lượng khói dày đặc bốc ra từ khu vực này. Trong hàng chục phút sau đó các nhân viên trên tàu cố gắng kìm hãng ngọn lửa hung hăng nhưng bất thành.

Toàn bộ thủy thủ đoàn sau đó buộc phải rút lui trước đám cháy và sau đó khoanh vùng đồng thời cách ly khu vực, tránh vụ cháy lan rộng dẫn tới chìm tàu. Khí CO2 sau đó được xả ra vào 10h50 để nhấn chìm vụ cháy (mà sau đó phải mất nhiều ngày trời mới có thể được dọn dẹp hết).

Chỉ một chiếc xe đã khơi mào cuộc chiến dai dẳng giữa Ford và BMW như thế nào? - Ảnh 6.

Các chuyên gia sau đó đã mất hàng tháng trời mới phát hiện được nguyên nhân vụ cháy – chính là chiếc Ford Escape 2002 thuộc diện triệu hồi đỗ ở boong 12 khi đó. "Dầu phanh rò rỉ đã chảy vào hệ thống dây điện của phanh ABS gây chập điện, nóng chảy và cuối cùng là hỏa hoạn", báo cáo của NTSB cho biết. Theo số liệu thống kê bởi NHTSA, ít nhất có 260 trường hợp xe đang đỗ phát hỏa đã xảy ra trước năm 2012.

Xét tới việc có đến hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng chục triệu, xe thuộc diện thu hồi nhưng không được thu hồi (có thể do chủ xe, có thể do hãng) và vẫn đang lưu hành trên thị trường, việc chiếc Ford Escape bốc cháy không phải thứ gì đó quá đáng ngạc nhiên.

"Chủ xe đã ở nước ngoài nhiều năm và không hề được thông báo về việc triệu hồi", NTSB lý giải nguyên nhân mà Mary không bị liên đới tới vụ việc, do đó không bị truy cứu trách nhiệm.

Chỉ một chiếc xe đã khơi mào cuộc chiến dai dẳng giữa Ford và BMW như thế nào? - Ảnh 7.

Ngay khi thông tin chiếc Ford Escape là nguyên nhân gây ra vụ cháy được công bố, BMW và các công ty bảo hiểm của số xe trên tàu liền lên tiếng đòi hãng xe Mỹ này phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ở chiều ngược lại đương nhiên tập đoàn này không đồng ý và cuộc chiến pháp lý quyết định xem ai phải chịu trách nhiệm nhanh chóng được triển khai.

Vào tháng 6/2016, BMW Bắc Mỹ và đơn vị bảo hiểm của Daimler đâm đơn kiện Ford vì vụ cháy, yêu cầu thương hiệu Blue Oval nhận trách nhiệm về mình. Ford "đáp trả" bằng cách kiện đơn vị chuyên chở hàng hóa là GovLog NV.

BMW khi đó cũng đâm đơn kiện Mary cho đến khi Bộ Tư pháp Mỹ bước ra đấu tranh thay cô vào cuối 2016. Hãng sau đó cũng đâm đơn kiện nốt GovLog vì sơ suất khi vận chuyển hàng hóa và vi phạm hợp đồng.

Chỉ một chiếc xe đã khơi mào cuộc chiến dai dẳng giữa Ford và BMW như thế nào? - Ảnh 8.

MV Courage từ 2015 tới nay vẫn im lìm tại cảng nhưng những vụ "tai nạn" tương tự hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Một điểm đáng lưu ý là các bên liên quan trong vụ án đều chỉ cố gắng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau mà không một ai đề cập tới việc làm sao chính phủ Mỹ có thể xử lý rốt ráo các chiến dịch thu hồi xe.

Ước tính có khoảng 30% xe thuộc diện thu hồi không bao giờ nhận được quy trình sửa chữa đúng cách, đồng nghĩa với hàng triệu quả bom nổ chậm tiềm ẩn không ít rủi ro vẫn đang lưu thông trên đường, thậm chí rủi ro cực đại như tai nạn của MV Courage.

Mọi lưu tâm của các bên bây giờ đều là tiền. BMW yêu cầu Ford và các bị đơn bồi thường cho mình 6,84 triệu USD bao gồm thiệt hại và các chi phí liên quan. Do tính phức tạp của sự việc mà đến nay phiên tòa xét xử vẫn đang rơi vào thế bế tắc.

Chỉ một chiếc xe đã khơi mào cuộc chiến dai dẳng giữa Ford và BMW như thế nào? - Ảnh 9.

Chiến dịch triệu hồi toàn cầu liên quan tới túi khí Takata đã kéo dài nhiều năm trời và vẫn chưa thấy điểm kết, tuy nhiên các nhà lập pháp Mỹ đang cố gắng để thông qua dự luật cho phép chính phủ cưỡng chế các hãng xe thực hiện thu hồi sớm hơn, từ đó giảm mối nguy từ xe lỗi.

"Xe lỗi là điều không thể tránh khỏi. Về phần mình chúng tôi cần tìm ra cách cải tiến quy trình thu hồi xe một cách toàn diện sao cho hợp lý nhất có thể", Levine tới từ Trung tâm An toàn Giao thông Mỹ chia sẻ với Jalopnik.

Không ít thương hiệu lớn trên toàn cầu cũng nhận ra sự thiết yếu của việc thông báo đầy đủ, cũng như hối thúc khách hàng đưa xe đi sửa càng sớm càng tốt. Lấy Honda làm ví dụ, hãng thậm chí sẵn sàng cử nhân viên tới tận nhà khách hàng thông báo hoặc sử dụng mạng xã hội chẳng hạn như Facebook với những trường hợp khó tìm địa chỉ hoặc đã chuyển nhà.

Theo Levine, có nhiều cách khác để các hãng xe đẩy nhanh quá trình thu hồi, chẳng hạn như cho khách hàng dùng tạm xe thuê trong 1, 2 ngày khi phương tiện của họ được đem đi sửa chữa. Ông cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất mà các hãng xe cần làm là làm sao thông tin được cho người mua xe rằng phương tiện của họ không may gặp lỗi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của họ, qua đó hối thúc họ đem xe đi sửa.

Chỉ một chiếc xe đã khơi mào cuộc chiến dai dẳng giữa Ford và BMW như thế nào? - Ảnh 10.

Email, mạng xã hội như Honda áp dụng hay đơn giản là một cuộc gọi đều là các phương thức giao tiếp từ xa hiệu quả trong những trường hợp thế này. Điều quan trọng là các hãng xe có muốn hay không mà thôi. Theo Levine, rất nhiều khách hàng không hề biết về việc xe mình đang sử dụng hàng ngày thuộc diện thu hồi, đến khi được họ hỏi mới vỡ lẽ ra.

"Họ không cố hết sức để thông báo cho khách hàng về việc thu hồi", ông nhận định. Nguyên nhân vì sao xin để độc giả mặc tình phân xử.