Năm nay, tiêu chí đánh giá của IIHS cho giải TSP+ đã khắt khe hơn một bậc khi yêu cầu các mẫu xe thử nghiệm phải trang bị hệ thống đèn pha đủ sáng, an toàn đồng thời bảo vệ tốt hành khách ngồi ghế trước trong bài thử Va chạm trước một phần.

15 mẫu xe an toàn nhất năm 2017: Không có Lexus, Audi - Ảnh 1.

IIHS nổi tiếng "nghiêm khắc" với các bài thử của mình.

15 mẫu xe được đánh giá cao nhất trong năm 2017 chủ yếu đến từ Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản. Subaru là thương hiệu có nhiều mẫu xe lọt vào danh sách Top Safety Pick+ nhất với 4 dòng Impreza, Legacy, Outback và WRX mới. Chiếc sedan phổ thông danh tiếng Camry tới từ Toyota cũng lọt vào top 15. 2 dòng xe Forte và Soul giúp Kia có mặt trong danh sách trong khi với Hyundai là 2 chiếc Santa Fe và Santa Fe Sport.

Ở phân khúc xe sang, không có mẫu xe nào của Audi và Lexus lọt vào danh sách Top Safety Pick+. Thay vào đó, BMW và Lincoln mỗi thương hiệu sở hữu một dòng xe (5-Series và Continental), Genesis có 2 (G80 và G90) và Mercedes-Benz cũng có 2 (E-Class sedan và GLC crossover).

15 mẫu xe an toàn nhất năm 2017: Không có Lexus, Audi - Ảnh 2.

Thương hiệu mới chân ướt chân ráo gia nhập phân khúc xe sang trong vài năm trở lại đây là Genesis có 2 mẫu xe nằm trong danh sách TSP+.

Nằm dưới mức an toàn cao nhất TSP+ là giải TSP với 47 dòng xe khác nhau đạt chuẩn. Đáng chú ý trong số đó bao gồm Mazda3, Hyundai Elantra, Toyota Corolla, Alfa Romeo Giulia, Audi A4, BMW 3-Series, Honda Accord, Hyundai Sonata và Nissan Altima (sedan); Honda CR-V, Hyundai Tucson, Mazda CX-5, Mitsubishi Outlander, Honda Pilot, Lexus RX, Subaru Forester, Toyota RAV4 và Volvo XC60 (Crossover/SUV).

Các dòng bán tải/minivan trước giờ thường sở hữu ít tính năng an toàn hiện đại hơn các phân khúc khác, do đó chỉ có 3 dòng xe đạt chuẩn TSP là Chrysler Pacifica, Honda Odyssey và Honda Ridgeline.

15 mẫu xe an toàn nhất năm 2017: Không có Lexus, Audi - Ảnh 3.

Khá trớ trêu là lại chỉ có đúng 1 dòng xe Mỹ (Lincoln Continental) đạt chuẩn an toàn cao nhất theo tiêu chuẩn Mỹ.

Việc IIHS siết chặt các tiêu chuẩn thử nghiệm qua hằng năm là điều cần thiết trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển song song với yêu cầu của con người nhìn chung ngày càng tăng cao. Đồng thời "rõ ràng một số thương hiệu đang bỏ bê hoặc không quan tâm đủ tới việc trang bị công nghệ chiếu sáng hiệu quả, cần thiết. Họ cũng phần nào đó quên đi việc tạo ra một không gian đủ an toàn cho hành khách trong xe. Nên nhớ rằng người lái luôn coi trọng những nỗ lực bảo vệ người ngồi ghế sau hoặc ghế phụ của hãng xe", chủ tịch IIHS Adrian Lund chia sẻ.

"Kể từ khi chúng tôi đưa ra các tiêu chí đánh giá mới, nhiều hãng xe đã nghiêm túc hơn hẳn và chúng tôi tin tưởng rằng họ sẽ còn làm tốt hơn nữa trong việc tạo ra một môi trường giao thông lành mạnh".